Quốc hội và Chính phủ Quốc_hội_Vương_quốc_Liên_hiệp_Anh_và_Bắc_Ireland

Nữ hoàng Anh Elizabeth II

Chính phủ Anh phải tường trình trước Viện Thứ dân. Tuy nhiên, Thủ tướng và các thành viên chính phủ không do Viện Thứ dân bầu, nhưng Nữ hoàng yêu cầu một chính trị gia được hậu thuẫn bởi phe đa số trong viện, thường là lãnh tụ chính đảng lớn nhất ở Viện Thứ dân, thành lập chính phủ. Bởi vì chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Hạ viện, Thủ tướng và hầu hết thành viên nội các, theo quy ước, đều là thành viên Viện Thứ dân. Thủ tướng sau cùng từng là thành viên Viện Quý tộc là Alec Douglas-Home, ông nhậm chức thủ tướng năm 1963. Home phải từ bỏ tước quý tộc của mình, và phải tranh cử vào Viện Thứ dân trước khi trở thành thủ tướng.

Các chính phủ thường muốn kiểm soát chức năng lập pháp của Quốc hội bằng cách sử dụng thế đa số ở Hạ viện, đôi khi còn tìm cách bổ nhiệm các nhà quý tộc có cùng lập trường vào Viện Quý tộc. Trong thực tế, chính phủ có thể thông qua các dự luật họ muốn (trong phạm vi hợp lý) trừ khi có sự bất đồng nghiêm trọng bên trong đảng cầm quyền. Nhưng ngay cả trong những tình huống như thế, các dự luật của chính phủ cũng khó bị đánh bại, bởi vì vẫn có thể tìm ra giải pháp thỏa hiệp bởi sự nhượng bộ từ hai phía. Năm 1976, Lord Hilsham tìm ra một tên rất được ưa thích để miêu tả tập quán này "thể chế độc tài dân cử".

Quốc hội kiểm soát nhánh hành pháp bằng cách thông qua hoặc bác bỏ các dự luật chính phủ đệ trình, cũng như buộc thủ tướng giải thích về các quyết định của họ, hoặc trong các buổi chất vấn định kỳ (Thứ Tư hằng tuần Thủ tướng phải đến dự một buổi họp của Viện Thứ dân để trả lời chất vấn của các nghị sĩ trong nửa tiếng đồng hồ),[21] hoặc tại những kỳ họp của các ủy ban Quốc hội. Trong cả hai trường hợp, Thủ tướng có nghĩa vụ giải đáp mọi thắc mắc của các thành viên Quốc hội.

Thủ tướng Anh Theresa May

Dù có quyền giám sát nhánh hành pháp, Viện Quý tộc không thể giải tán chính phủ. Các bộ của chính phủ phải duy trì sự tín nhiệm và hậu thuẫn của Viện Thứ dân. Hạ viện có thể rút lại sự ủng hộ của mình đối với chính phủ bằng cách bác bỏ Nghị quyết Tín nhiệm hoặc thông qua Nghị quyết Bất Tín nhiệm. Nghị quyết tín nhiệm thường được chính phủ đệ trình nhằm tái khẳng định sự hậu thuẫn của Viện Thứ dân, trong khi nghị quyết bất tín nhiệm thường là do phe đối lập khởi xướng.

Nhiều biểu quyết khác của Viện Thứ dân cũng được xem là những nghị quyết tín nhiệm. Các dự luật quan trọng hình thành chương trình hành động của chính phủ (được trình bày trong diễn văn của nữ hoàng) thường được xem là những nghị quyết tín nhiệm. Nếu các dự luật này không được Viện Thứ dân thông qua, điều đó có nghĩa là chính phủ không còn được Quốc hội tín nhiệm. Cũng sẽ có kết quả tương tự nếu Viện Thứ dân từ chối thông qua ngân sách.

Trong trường hợp chính phủ không được Viện Thứ dân tín nhiệm, Thủ tướng bị buộc phải từ chức hoặc giải tán Quốc hội để tổ chức tổng tuyển cử. Một khi Thủ tướng không thể duy trì thế đa số mà yêu cầu giải tán Quốc hội, trên lý thuyết Nữ hoàng có thể khước từ lời yêu cầu này, buộc Thủ tướng từ chức và yêu cầu lãnh tụ phe đối lập thành lập chính phủ mới. Trong thực tế nữ hoàng hiếm khi sử dụng quyền này. Tuy nhiên, quyền này được trao cho nhà vua để sử dụng trong trường hợp Thủ tướng yêu cầu giải tán Quốc hội mà không có lý do chính đáng.

Trong thực tế, quyền giám sát của Viện Thứ dân là không đáng kể. Kể từ khi hệ thống một đại biểu cho một đơn vị bầu cử (first-past-the-post) được áp dụng trong các kỳ tuyển cử, đảng cầm quyền thường là đảng đa số ở Viện Thứ dân nên không cần phải thỏa hiệp với các đảng khác. Hiện nay, các chính đảng Anh Quốc được tổ chức quá chặt chẽ đến nỗi các thành viên của đảng trong Quốc hội khó có cơ hội hành động độc lập. Có nhiều nghị sĩ bị trục xuất khỏi đảng vì đã bỏ phiếu ngược với chỉ thị của lãnh tụ đảng. Suốt thế kỷ 20, Quốc hội chỉ có ba cơ hội thông qua nghị quyết bất tín nhiệm chính phủ - hai lần trong năm 1924, một lần năm 1979.